Khách hàng đăng ký vay tiền ngân hàng chắc hẳn không còn xa lạ với cụm từ “đáo hạn ngân hàng“. Tuy nhiên, “đáo hạn là gì?“ bạn đã biết chính xác chưa? Trong bài viết này, BANKTOP sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chính xác và những lưu ý khi đáo hạn ngân hàng.
Toc
Đáo hạn là gì?
Theo định nghĩa chung nhất, chúng ta có thể trả lời câu hỏi đáo hạn là gì như sau:
Đáo hạn là thuật ngữ chỉ thời điểm đến hạn phải thanh toán hợp đồng, chấm dứt hợp đồng hoặc tái ký ký hợp đồng mới. Trong một số trường hợp, đáo hạn cũng có thể được hiểu là gia hạn thêm thời gian của hợp đồng. Ngày đáo hạn là ngày cuối cùng bạn phải trả hoàn tất số tiền đã vay. Ngày đáo hạn sẽ được quy định theo hợp đồng mà bạn ký kết với ngân hàng.
Đáo hạn Ngân hàng là gì?
Mặc dù định nghĩa “đáo hạn là gì“ tồn tại trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như thẻ tín dụng, sổ tiết kiệm, vay tiền trả góp… tuy nhiên, đáo hạn vay ngân hàng vẫn là phổ biến nhất. Đáo hạn ngân hàng là một hình thức gia hạn khoản vay của khách hàng đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng khi đến thời gian phải hoàn tất hợp đồng.
Hiểu một cách khác, đáo hạn ngân hàng là một hình thức tái vay vốn để gia hạn thêm thời gian vay khi không thể hoàn tất hợp đồng đúng hạn. Tránh các trường hợp nợ xấu ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng.
Ví dụ: Bạn vay ngân hàng A 1 tỷ trong kỳ hạn vay là 1 năm với lãi suất 7% vào ngày 8/6/2017, đến ngày 8/6/2018 sẽ là ngày kết thúc hợp đồng khoản vay.
Nhưng khi đến ngày kết thúc hợp đồng mà bạn không có khả năng chi trả số tiền đã vay. Thì bạn sẽ thực hiện dịch vụ đáo hạn của ngân hàng để có khoản vay mới và có thêm thời gian để bạn trả nợ cho khoản mà bạn đã vay.
Ngày đáo hạn là gì?
Đây là một định nghĩa khá dễ hiểu, ngày đáo hạn là ngày phải đến hạn hoàn tất hợp đồng hoặc tái vay vốn hợp đồng mới theo quy định trong hợp đồng vay.
Các hình thức đáo hạn
Đáo hạn khoản vay
Đáo hạn khoản vay là khi khoản vay ngân hàng cũ đã hết thời hạn nhưng người vay vẫn chưa trả được khoản vay đó và tiếp tục vay một khoản vay mới. Khi sử dụng dịch vụ đáo hạn này khách hàng có thể vay thêm một khoản mới để thanh toán nợ cho khoản vay cũ. Hình thức này còn được gọi là đáo hạn nợ hay đáo nợ.
Đáo hạn gửi tiết kiệm
Hình thức này phải được thực hiện dựa trên sự cam kết và thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng gửi tiết kiệm khi sổ tiết kiệm đã tới thời điểm đáo hạn. Theo đó, ngân hàng sẽ phải trả cho khách hàng gửi tiết kiệm cả tiền gốc và lãi. Ngày đáo hạn gửi tiết kiệm chính là ngày cuối cùng sổ tiết kiệm gửi ở ngân hàng.
Trường hợp đã tới thời điểm đáo hạn sổ tiết kiệm mà khách hàng chưa tới nhận tiền, ngân hàng có quyền được tự tái tục sổ tiết kiệm với mức lãi suất tính theo lãi suất thời điểm hiện tại và kỳ hạn vay giống kỳ hạn sổ trước đó.
Tìm hiểu chứng chỉ tiền gửi là gì?
Phân biệt đảo nợ với đáo hạn ngân hàng
Đảo nợ là thuật ngữ được dùng để chỉ việc khách hàng đăng ký một hợp đồng vay vốn mới tại Ngân hàng và dùng số tiền giải ngân được để trả cho khoản nợ của hợp đồng cũ đã vay trước đó – Xem chi tiết bài viết nói về đảo nợ tại đây.
Vậy đảo nợ và đáo hạn khác nhau, giống nhau ra sao?
Giống nhau
Mục đích của đảo nợ ngân hàng và đáo hạn khoản vay đều nhằm kéo dài thêm thời gian trả nợ cho một khoản vay cũ sắp đến hạn phải thanh toán cho ngân hàng.
- Cả hai hoạt động này đều bị pháp luật nước ta nghiêm cấm, được quy định cụ thể trong Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
- Đảo nợ và đáo hạn khoản vay đều mất phí, dao động từ 0,3 – 0,7%/ngày với tổng số tiền dùng để đảo nợ hoặc đáo hạn.
Khác nhau
- Đảo nợ được thực hiện để biến 1 khoản vay cũ sắp đến hạn trả nợ thành 1 khoản vay mới, nhằm kéo dài thời gian trả nợ.
- Đáo hạn khoản vay là hình thức ngân hàng tái vay vốn khi thời hạn trả khoản vay cũ đã hết nhưng nợ vẫn chưa trả xong.
Tìm hiểu debt ratio là gì?
Tìm hiểu dịch vụ đáo hạn ngân hàng
Như đã nói ở trên, vay đáo hạn ngân hàng về bản chất là một hình thức tái vay vốn để gia hạn khoản vay khi không thể hoàn tất hợp đồng khi đến hạn trả nợ.
Bài viết liên quan:
Ưu điểm khi vay đáo hạn ngân hàng
Vay đáo hạn ngân hàng là một hình thức vay tiền ngân hàng có nhiều ưu điểm đối với khách hàng không thể tất toán hồ sơ vay đúng hạn.
- Các ngân hàng hoạt động dưới sự quản lý của ngân hàng nhà nước, do đó khách hàng không cần phải lo lắng về lãi suất quá cao như các dịch vụ vay bên ngoài.
- Khoản vay sẽ được đáo hạn đúng thời điểm theo hợp đồng vay vốn trước đó, tránh phát sinh nợ xấu do trả chậm, trả trễ.
- Đối với hình thức tái vay vốn, khách hàng sẽ không chịu phí phạt do đóng chậm.
Các phương thức vay đáo hạn ngân hàng
Có nhiều hình thức vay đáo hạn ngân hàng khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là 2 hình thức vay đáo hạn tại chỗ và vay đáo hạn chuyển vùng. Khách hàng có thể sử dụng tài sản để vay thế chấp ngân hàng.
Đáo hạn tại chỗ
Vay đáo hạn tại chỗ là hình thức vay đáo hạn trực tiếp tại Ngân hàng mà khách hàng đang có hợp đồng vay. Khách hàng sử dụng một hợp đồng vay khác để đáo hạn cho khoản vay hiện tại. Thông thường phương thức này được áp dụng nhiều nhất trong đáo hạn các khoản vay mà cụ thể là vay thế chấp. Lúc này, ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho khoản vay mới.
Đáo hạn chuyển vùng
Trong trường hợp, có một ngân hàng khác ưu đãi hơn về lãi suất cũng như các điều khoản đi kèm, khách hàng có thể chuyển sang vay ngân hàng đó và dùng số tiền giải ngân được để đáo hạn hợp đồng vay ở ngân hàng cũ. Trường hợp này gọi là vay đáo hạn chuyển vùng.
Ví dụ: Bạn vay ngân hàng A 1 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm, thời hạn 3 năm. Sắp đến ngày hết hạn, bạn thực hiện đáo hạn chuyển vùng, chuyển đổi khoản vay cũ này sang một khoản vay mới tại ngân hàng B với lãi suất 6%/năm và thời hạn 4 năm.
Điều kiện vay đáo hạn ngân hàng
Để có thể hoàn tất thủ tục vay đáo hạn, khách hàng cần đáp ứng đủ một số điều kiện sau:
- Nằm trong độ tuổi được hỗ trợ vay tiền ngân hàng từ 20–60
- Có thu nhập ổn định đảm bảo cho việc chi trả hợp đồng vay
- Không có nợ xấu, nợ chú ý tại bất kỳ ngân hàng nào
- Có CMND, Hộ khẩu hoặc KT3 tại tỉnh thành nơi đăng ký vay
- Có tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay
Thủ tục vay đáo hạn ngân hàng
Nếu khách hàng có đủ các điều kiện nêu trên thì làm thế nào để đăng ký vay đáo hạn? Rất đơn giản, một bộ hồ sơ vay bao gồm các giấy tờ sau:
- CMND hoặc giấy căn cước công dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn (nếu có)
- Hồ sơ, đề nghị vay vốn ngân hàng
- Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản thế chấp. Ví dụ như sổ đỏ, đăng ký xe ô tô…
- Hợp đồng thế chấp tài sản
- Và một số giấy tờ khác theo yêu cầu
Quy trình đáo hạn ngân hàng
Quy trình đáo hạn gửi tiết kiệm cũng nhanh hơn quy trình đáo hạn vay. Với hình thức đáo hạn gửi tiết kiệm bạn chỉ mất khoảng 15 phút giao dịch. Còn đối với đáo hạn vay thì bạn có thể tham khảo quy trình đáo hạn dưới hai hình thức sau:
Hình thức đáo hạn món vay
Đầu tiên bạn cần viết giấy vay tiền theo yêu cầu. Sau đó bạn nộp tiền tất toán món vay. Bạn sẽ hoàn trả lại số tiền đã vay sau khi được ngân hàng giải ngân món vay mới. Thời gian đáo hạn món vay rất nhanh chóng chỉ mất khoảng 1-3 ngày tùy theo từng ngân hàng.
Hình thức giải chấp tài sản
Để đáo hạn theo hình thức này bạn có thể làm theo các bước sau:
- Bước 1: Bạn cần đến ngân hàng để lấy hồ sơ tài sản đảm bảo.
- Bước 2: Bạn mang tài sản mà bạn đã thế chấp đi xóa đăng ký thế chấp tại trung tâm giao dịch trước đó
- Bước 3: Gửi thông báo xóa thế chấp tại văn phòng công chứng
Bạn cần làm các bước giải thế chấp tài sản như trên thì tài sản của bạn mới đủ điều kiện để ký thế chấp vay mới tại ngân hàng khác. Thời gian thực hiện thủ tục giải chấp tài sản mất khoảng 1-5 ngày tùy vào từng ngân hàng và địa phương.
Phí đáo hạn Ngân hàng là bao nhiêu?
Khi thực hiện hợp đồng vay đáo hạn, khách hàng sẽ chịu một khoản phí gọi là phí đáo hạn ngân hàng. Tùy thuộc vào từng ngân hàng, loại hình hợp đồng vay vốn mà có mức quy định về phí đáo hạn khác nhau. Cụ thể đối với các khoản vay thế chấp phí đáo hạn từ 0,3–0,5 %/ngày và từ 0,5–0,7%/ngày đối với các khoản vay tiêu dùng tín chấp.
Những yếu tố nào kéo dài thời gian đáo hạn, tái cấp lại khoản vay?
Một số yếu tố ảnh hưởng đến ngày đáo hạn như sau:
- Quá trình chuẩn bị cung cấp hồ sơ của khách hàng có đầy đủ không
- Trong vòng 12 tháng vừa qua, lịch sử trả nợ của Khách hàng tại các Tổ chức tín dụng có bị quá hạn hay chậm trả không
- Chính sách sản phẩm của ngân hàng có thay đổi hay không
- Tổng dư nợ của Khách hàng tại các tổ chức tín dụng khác có tăng lên không
- Nhân viên phụ trách hồ sơ của của bạn có làm việc nhiệt tình hay không
- Tài sản đảm bảo khoản vay của bạn có thay đổi về giá trị định giá hay có biến động thay đổi thông tin gì không
- Các giấy tờ Nhân thân pháp lý của người vay và chủ sở hữu có thay đổi gì không ( như thay đổi về hộ khẩu, chứng minh thư….)
- Nguồn thu nhập trả nợ chứng minh với Ngân hàng có thay đổi không
- Văn phòng đăng ký đất đai nơi bạn thế chấp tài sản hẹn mấy ngày trả kết quả Giao Dịch Đảm Bảo nếu hồ sơ tài sản của bạn phải đi đăng ký bổ sung hay đăng ký thế chấp lại.
Một số lưu ý khi đáo hạn ngân hàng
Để tránh những sai lầm khi đáo hạn bạn cũng nên tham khảo và lưu ý một số vấn đề như sau:
- Lựa chọn hình thức đáo hạn phù hợp với điều kiện, khả năng tài chính của bạn đối với hình thức vay đáo hạn.
- Tìm hiểu kỹ những giấy tờ, thủ tục hồ sơ và quy trình đáo hạn.
- Tìm hiểu kỹ lãi suất đáo hạn tại các ngân hàng.
- Để ý đến thời gian hết hạn hợp đồng để đáo hạn kịp thời và không bị rơi vào nợ xấu.
Kết luận
Trên đây là mọi thông tin cần thiết giúp bạn trả lời câu hỏi “đáo hạn là gì?“. Hy vọng qua bài viết này bạn có những kiến thức hữu ích trong quá trình thực hiện giao dịch với ngân hàng.
Thông tin được biên tập bởi: BANKTOP